Thư viện số trường đại học Việt Nam: Thay đổi cách học truyền thống

Thư viện số là một trong những mục tiêu đầu tư của các trường đại học Việt Nam thời gian gần đây, bởi những lợi thế không thể phủ nhận của nó. Thư viện số manh nha phát triển từ những năm 1999 và đến nay, đây là nguồn dữ liệu không thể thiếu đối với sinh viên, nhất là những sinh viên theo học tín chỉ.

 

 

  PGS. TS Trang Sĩ Trung, Hiệu trưởng Trường ĐH Nha Trang phát biểu tại hội thảo

Theo ông Nguyễn Quý Hoàn, Phó giám đốc Thư viện đại học Nha Trang, thư viện số của Đại học Nha Trang hiện đã có hơn 20 ngàn đầu tài liệu số bao gồm sách, tạp chí nước ngoài, tạp chí trong nước, luận văn, luận án… Trong đó có 500 đầu tạp chí nước ngoài đã được trường mua bản số để cập nhật thường xuyên, 300 đầu tạp chí Việt Nam được mua và scan để cập nhật lên thư viện số. Ngoài ra, những bài giảng của giảng viên, các luận văn xuất sắc, luận án đều được bổ sung vào thư viện số để sinh viên khóa sau có thể tham khảo.Liên tục mua tài liệu nước ngoài, cập nhật bài giảng của giảng viên

“Trường đại học Nha Trang có nhiều chương trình liên kết với các trường đại học trên cả nước, sinh viên không chỉ học tại Nha Trang mà ở khắp các tỉnh thành. Vì vậy, với thư viện số, các thầy cô và sinh viên chương trình liên kết có thể sử dụng mọi nơi mọi lúc. Hễ bắt đầu nhập học, mỗi sinh viên đều được cấp một account để có thể sử dụng ngay thư viện số. Đến nay, con số sinh viên, giáo viên sử dụng thư viện số lên đến hơn 30.000 người” – Ông Hoàn cho hay.

Ngoài ra, thư viện số đã phá vỡ những cách học truyền thống của sinh viên từ trước tới nay. Sinh viên sẽ không gặp cản trở trong không gian hẹp, thời gian hành chính của thư viện truyền thống.  Ông Vũ Xuân Quỳ - Giám đốc thư viện ĐH Nha Trang khẳng định: Thư viện số có độ mở, có khả năng phục vụ không giới hạn về thời gian, về không gian, về nguồn tài nguyên phục vụ. Sinh viên có thể học ở bất cứ đâu, KTX hay ở nhà, lên lớp, đều có thể tiếp cận tài liệu. Thầy cô cũng vậy, có thể lấy giáo trình từ thư viện số để giảng dạy cho sinh viên ngay tại lớp.

“Hiện tại, thư viện đại học Nha Trang đã có phần mềm quản lý tài nguyên phục vụ người dùng. Phần mềm này triển khai từ 2010. Cho đến nay thư viện đã có lượng bạn đọc truy cập cao, trung bình mỗi ngày hơn 10 ngàn lượt truy cập.

Thư viện số cũng thay đổi cách học của sinh viên khi toàn bộ bài giảng của thầy cô đều bắt buộc đưa lên thư viện số; Sinh viên có thể nghiên cứu trước khi học và khi lên lớp, thầy chỉ cần gợi ý, đưa ra nội dung và các em tự giải quyết, tự cập nhật tài liệu ngay trên máy tính, trong lớp học. Tính chủ động, tự giác học của sinh viên cũng tốt hơn rất nhiều” – Ông Vũ Xuân Quỳ bày tỏ sự vui mừng khi thư viện, đặc biệt là thư viện số, đang trở thành trung tâm hơn trong quá trình học của sinh viên trên trường đại học.

 

Ngoài thư viện truyền thống, những luận án, luận văn xuất sắc của trường Đại học Nha Trang đã được số hóa để đẩy lên thư viện số


“Đưa thiết bị hiện đại vào, sinh viên được chủ động ở mức cao nhất, chúng tôi nhận thấy, lưu lượng người dùng thư viện tăng lên đáng kể. Tăng tính chủ động cho sinh viên, tiết kiệm thời gian cho họ. Tôi thấy sinh viên đã bắt đầu yêu mến thư viện rất nhiều, càng khẳng định được vị thế thư viện trong quá trình đào tạo của nhà trường” – Ông Quỳ khẳng định.Việc hiện đại hóa thư viện cũng diễn ra trên thư viện truyền thống. Hiện nay, Thư viện đại học Nha Trang đã lắp đặt các thiết bị tự tìm kiếm sách, tự mượn và trả sách mà không cần sự can thiệp của các thủ thư. Không còn cảnh xếp hàng, chen lấn mượn sách như cách đây 10 năm. Sinh viên có thể trả sách bất cứ lúc nào trong ngày, kể cả thứ 7, CN mà không cần có sự chứng kiến, kiểm tra của thủ thư.

Khai thác liên thông giữa thư viện số các trường đại học như thế nào?

 TS Nguyễn Hoàng Sơn, Giám đốc Trung tâm thông tin - Thư viện ĐHQGHN trao đổi

kinh nghiệm làm thư viện số

Hiện nay, hầu hết các trường đại học trong Việt Nam đều đã xây dựng thư viện số. Một số các Đại học lớn còn có Trung tâm Học liệu riêng như ĐH Thái Nguyên, ĐH Đà Nẵng. Ngoài việc số hóa các bài giảng của giảng viên, các luận văn, luận án, chụp ảnh các tài liệu đã có… đẩy lên thư viện số, thì mỗi thư viện số hiện nay đều chủ động mua tạp chí khoa học trong và ngoài nước với số tiền từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỉ đồng mỗi năm. Con số này trên cả nước là rất lớn. Song hiện nay, việc hợp tác, liên kết để khai thác chung những nguồn tài nguyên số này vẫn chưa khả thi.  

“Liên kết với các thư viện khác để lấy thêm nguồn dữ liệu, chia sẻ tài nguyên, liên kết hỗ trợ là điều cần thiết. Hiện tại, thư viện Đại học Nha Trang đã liên kết với thư viện của liên chi hội đại học phía Nam, từ Huế trở vào, song chỉ mới dừng lại ở trao đổi chuyên môn nghiệp vụ. Còn gói tài nguyên, trao đổi người dùng thì vẫn chưa tiến hành được” - Ông Quý cho hay. 

Một trong những cản trở đó chính là sự thiếu đồng bộ giữa các phần mềm sử dụng trong thư viện số của các trường đại học. Hiện nay, ngoài phần mềm hiện đại nhất mà Trung tâm thông tin – thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội sử dụng là Content Pro, các trường đại học khác chủ yếu sử dụng các phần mềm thương mại trong nước hoặc phần mềm mã nguồn mở; hoặc tự phát triển phần mềm riêng (như Trung tâm học liệu ĐH Thái Nguyên, ĐH Vinh); Một số trường dùng phần mềm Dspace…

Chính vì việc sử dụng quá nhiều phần mềm đã dẫn tới khả năng liên thông kém, không linh hoạt, khó tìm kiếm.

Ngoài ra, vấn đề bản quyền đối với các bài báo nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước cũng là một yếu tố cần phải lưu ý khi đặt vấn đề chia sẻ nguồn tài nguyên giữa các trường đại học với nhau.

Theo TS Nguyễn Huy Chương, Chủ tịch Liên chi hội Thư viện Đại học khu vực phía Bắc, nguồn tài liệu trong nước vẫn là nguồn được bạn đọc quan tâm nhiều nhất vì gắn với lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu của nhà trường và không vấp phải rào cản ngôn ngữ. Vì vậy số hóa các tài liệu trong nước là nhiệm vụ cần ưu tiên và làm liên tục.

“Đặc biệt là việc tích hợp, liên kết các nguồn học liệu mở của các đơn vị trong và ngoài nước. Xây dựng các liên kết, tạo khả năng truy cập đến các nguồn tài liệu trên internet như tạp chí truy cập mở, các kho lưu trữ mở. Muốn thế cần một giải pháp công nghệ đồng bộ hơn nữa giữa các thư viện số trên cả nước” – TS Nguyễn Huy Chương khẳng định.

                                                                                                                                                                 Theo humg

 

 

Nguồn tin: http://infonet.vn/
Số lượt xem bài viết: 2096, Ngày cập nhật cuối cùng: 31/12/2016

Video