ÁP DỤNG CÁC CHUẨN NGHIỆP VỤ QUỐC TẾ Ở VIỆT NAM

Sự phát triển của phát triển Công nghệ thông tin trong nhưng năm gần đây đã tác động rất lớn đến các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội,... Trong đó hoạt động của Thư viện cũng đã nhiều thay đổi nhờ áp dụng Công nghệ thông tin trong công tác quản lý, phục vụ độc giả. Trong quá trình tin học hóa Thư viện, cần có sự thống nhất_chuẩn hóa giúp đồng bộ giữa thư viện trong nước và nước ngoài

 

ÁP DỤNG CÁC CHUẨN NGHIỆP VỤ QUỐC TẾ Ở VIỆT NAM

I/ Sự cần thiết áp dụng các chuẩn nghiệp vụ quốc tế:

1/ Từ ý tưởng: “Thống nhất-Chuẩn hóa”:

Vấn đề “thống nhất và chuẩn hóa” về tổ chức và nghiệp vụ của thư viện Việt Nam đã được các nhà lãnh đạo Vụ Thư viện - Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nêu lên khá sớm, từ những năm cuối của thế kỷ trước. Ý tưởng đó càng trở nên bức xúc hơn sau những chuyến thăm và làm việc với đại diện các hệ thống thư viện Việt Nam năm 1999 của Tiến sỹ Christine De Sam – Chủ tịch  IFLA. Điều dễ nhận thấy là, trước năm 2000, mạng lưới thư viện Việt Nam tuy phát triển khá nhanh nhưng thiếu thống nhất về tổ chức, chưa có các văn bản pháp quy cần thiết, có đủ sức mạnh đảm bảo cho sự phát triển của thư viện nói chung. Về chuyên môn nghiệp vụ, từ phân loại tới mô tả, biên mục,... càng thiếu thống nhất hơn, mỗi nơi thực hiện một kiểu, không theo một chuẩn mực thống nhất nào. Với tình hình tổ chức và nghiệp vụ như vậy thì làm sao mạng lưới thư viện nước ta có thể có thể tạo nên sức mạnh nội sinh để bước vào kỷ nguyên hội nhập thế giới. Tại hội thảo quốc tế:"Hệ thống và Tiêu chuẩn cho Thư viện Việt Nam" họp tại Hà Nội từ ngày 26/9 đến 28/9/2001, việc áp dụng các chuẩn nghiệp vụ trong hoạt động thông tin - thư viện của nước ta trong những năm đầu Thiên niên kỷ mới đã được đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học – Công nghệ, Bộ Văn hóa – Thông tin, Bộ Giáo dục - Đào tạo và giám đốc các Thư viện, Trung tâm thông tin Việt Nam nhất trí tán thành. Các chuẩn đó được xác định là: Khung phân loại Dewey (DDC), Khổ mẫu trao đổi thư mục MARC21 và quy tắc biên mục Anh-Mỹ AACR2. Dựa trên việc chuẩn hoá nghiệp vụ, các thư viện sẽ thực hiện tốt việc dùng chung tài liệu qua mạng trên phạm vi quốc gia và quốc tế, sử dụng các công nghệ tiên tiến trong các hoạt động thông tin-thư viện, nâng cao chất lượng dịch vụ, tiếp cận với thư viện các nước trong khu vực và thế giới. Như vậy, việc áp dụng các chuẩn quốc tế về nghiệp vụ vừa là đòi hỏi bức xúc của bản thân hoạt động thư viện trong nước, vừa phù hợp với thời kỳ hội nhập toàn diện với thế giới của đất nước ta.

2/ Đến việc lựa chọn các chuẩn nghiệp vụ quốc tế:

Việc lựa chọn 3 chuẩn nghiệp vụ quốc tế tiêu biểu bao gồm: DDC, AACR2, MARC21 đã được đại diện các thư viện lớn, đầu ngành trao đổi khá kỹ tại các hội nghị, hội thảo quốc tế và trong nước. Các ý kiến đều thống nhất đánh giá ưu điểm của các chuẩn đã lựa chọn như sau:

Khổ mẫu MARC21: Là khổ mẫu nổi tiếng và được cộng đồng thông tin-thư viện sử dụng rộng rãi trên thế giới. Đến nay đã có một khối lượng khổng lồ các biểu ghi theo MARC21 hiện đang được lưu trữ trong các mục lục liên hợp của Hoa Kỳ (800 triệu biểu ghi), của mạng OCLC (50 triệu biểu ghi), của Thư viện Quốc hội Mỹ (20 triệu biểu ghi). Mặc dù đã có một số nước và thậm chí một vài hệ thống thư viện đã xây dựng cho riêng mình các phiên bản của MARC, nhưng các phiên bản đó vẫn không trở thành một tiêu chuẩn quốc tế. MARC21 đang trở thành một tiêu chuẩn quốc tế, vì đa số các nước nói tiếng Anh bây giờ đang sử dụng. Hầu hết các hệ quản trị thư viện lớn và nhỏ trên thị trường hiện nay đều sử dụng khổ mẫu MARC21 như một sự lựa chọn tối ưu nhất. Áp dụng khổ mẫu MARC21, Thư viện Việt Nam sẽ có điều kiện trao đổi dữ liệu biên mục với các thư viện lớn trên thế giới, nhất là các thư viện lớn của Hoa Kỳ.

* Quy tắc biên mục Anh-Mỹ (AACR2) là bộ quy tắc nổi tiếng trên thế giới. Công trình AACR2 được đánh giá là đã đặt nền tảng cho sự hợp tác biên mục quốc gia và quốc tế. Vì vậy, AACR2 được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Áp dụng quy tắc biên mục AACR2, Thư viện Việt Nam dễ dàng hội nhập vào cộng đồng quốc tế, nhất là việc tiếp cận và trao đổi thông tin về thư mục trên Internet. Trên cơ sở thống nhất cả nước áp dụng AACR2, chúng ta sẽ tạo nên tiền đề quan trọng bậc nhất để đi tới việc xây dựng các mục lục liên hợp quốc gia và trong tương lai, chúng ta có thể đóng góp vào cơ sở dữ liệu thế giới. Hơn thế nữa, áp dụng AACR2, chúng ta có thể kiểm soát được thư mục toàn cầu, đáp ứng tốt nhu cầu tìm tin của bạn đọc.

Khung phân loại thập phân Dewey (DDC): Là một công trình khoa học thư viện vĩ đại của thế giới, là một bách khoa thư, phân loại và tổng hợp tri thức của nhân loại. Với những ưu điểm vượt trội so với tất cả các khung phân loại hiện nay, như: tính cập nhật liên tục trước những biến động mạnh mẽ của tình hình chính trị thế giới, những thay đổi mau lẹ đang diễn ra trên lĩnh vực tri thức; cấu trúc, ký hiệu, phân cấp rõ ràng và về sự ứng dụng rộng rãi trên thế giới, Khung phân loại DDC đang trở thành một khung tiêu chuẩn quốc tế để tổ chức tri thức nhân loại trong các thư viện. Theo thống kê, hiện nay có hơn 200.000 thư viện của 135 quốc gia đang sử dụng DDC. Khung phân loại DDC cũng là hệ thống phân loại của 60 thư mục quốc gia trong đó có 15 quốc gia tại vùng châu Á - Thái Bình Dương. Vì tính khoa học và thông dụng, đến nay DDC đã được dịch sang 30 thứ tiếng khác nhau trên thế giới. Gần đây, WebDewey – sản phẩm tiên tiến nhất của DDC đã được giới thiệu rộng rãi trên mạng như một phương tiện hỗ trợ đắc lực cho công tác phân loại của các thư viện.

Với sự phân tích trên, có thể nói việc lựa chọn 3 chuẩn nghiệp vụ: AACR2, MARC21 và DDC làm các tiêu chuẩn quốc tế cho thư viện Việt Nam áp dụng là một sự lựa chọn chính xác, khách quan và khoa học. Ba chuẩn mực này sẽ tạo nên một thế chân kiềng vững chắc, giúp cho thư viện Việt Nam phát triển trong thế giới hiện đại và thời kỳ hội nhập hiện nay. Việc quyết định áp dụng các chuẩn nghiệp vụ mới tuy có phần muộn màng, nhưng dù muộn còn hơn không. Gia nhập sân chơi thế giới, chúng ta phải tuân thủ luật chơi quốc tế, không thể chỉ hô khẩu hiệu “hội nhập” là đủ. Việc áp dụng các chuẩn mới là một thử thách lớn, thậm chí có thể coi là một cuộc “cách mạng”  của thư viện Việt Nam. Nhưng, vì tương lai của sự nghiệp thư viện nước nhà, chúng ta không thể ngần ngại, chiết trung. Với nhận thức dứt khoát như vậy, Thư viện Quốc gia Việt Nam, với vai trò “Thư viện trung tâm của cả nước” đã và đang nỗ lực làm tất cả những gì có thể để “cuộc cách mạng nghiệp vụ thư viện” được triển khai nhanh hơn, mạnh hơn và hiệu quả hơn.

II/ Triển khai áp dụng các chuẩn nghiệp vụ quốc tế:

Để đưa các chuẩn nghiệp vụ vào các thư viện, theo sự phân công tại Hội thảo Quốc tế lần thứ 2 tháng 9/2002, Thư viện Quốc gia Việt Nam chịu trách nhiệm dịch Khung phân loại Dewey; Trung tâm Thông tin khoa học và Công nghệ quốc gia sẽ dịch Khổ mẫu MARC21 và Quy tắc biên mục Anh-Mỹ AACR2. Sau khi dịch, 2 đơn vị trên có trách nhiệm in, xuất bản và tổ chức đào tạo, huấn luyện cho cán bộ các thư viện và  cơ quan thông tin thực hành áp dụng vào công tác của đơn vị mình.

1/ Quy tắc biên mục AACR2 rút gọn:

Trước khi Trung tâm thông tin Khoa học và Công nghệ thực hiện việc dịch bản quy tắc AACR2 toàn văn, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với Hội hỗ trợ Thư viện và Giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ (LEAF-VN) tiến hành dịch bộ Quy tắc biên mục Anh – Mỹ rút gọn (CAACR2). Cuối năm 2000, bản dịch đã hoàn thành với chất lượng khá tốt. Hội LEAF-VN đã quyên góp tài chính, in 2.000 bản (khổ 17x25, 320 trang) tại Mỹ và gửi về như một quà tặng cho các thư viện Việt Nam. Thư viện Quốc gia Việt Nam là đầu mối tiếp nhận và đã phân phối miễn phí 1.800 bản cho các thư viện trên cả nước.

Năm 2004, Thư viện Quốc gia Việt Nam phối hợp với Hội LEAF-VN tổ chức huấn luyện áp dụng quy tắc biên mục AACR2 bản rút gọn. Hai chuyên gia biên mục của Hoa Kỳ là bà Phạm Thị Lệ Hương (dịch giả CAACR2) và bà Ngọc Mỹ đã trực tiếp giảng dạy. Thư viện Quốc gia Việt Nam (TVQGVN) đã tổ chức 2 lớp ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để đào tạo cho cán bộ thư viện tỉnh, các trường đại học và các thư viện chuyên ngành. Hơn 200 học viên đã được tập huấn trong thời gian mỗi lớp là 7 ngày. Thời gian thực hành được bố trí thích đáng nhằm giúp anh chị em thành thạo sau khi học. Để giúp cho học viên có điều kiện làm giáo viên huấn luyện lại cho anh chị em ở đơn vị, ban tổ chức lớp học đã cung cấp cho mỗi học viên bài giảng bằng giấy kèm theo đĩa CD-ROM: “Cẩm nang sử dụng AACR2”. Đồng thời, TVQGVN đã biên soạn tài liệu so sánh sự giống nhau và khác nhau giữa ISBD và AACR2 để cán bộ thuận tiện khi sử dụng. Riêng với đơn vị, chúng tôi đã biên soạn bộ tài liệu qui tắc mô tả tài liệu riêng, vừa phù hợp với AACR2 vừa phù hợp với sự đa dạng của nguồn tài liệu nhập vàoTVQGVN.

Với cách tổ chức trên, trong một thời gian ngắn, TVQGVN đã góp phần đáng kể trong việc huấn luyện được một đội ngũ đông đảo các giảng viên có đủ năng lực để huấn luyện lại việc áp dụng AACR2 rút gọn cho cán bộ thư viện trên phạm vi cả nước. Tuy là bản rút gọn, nhưng như ông Michael Gorman - Giám đốc dịch vụ thư viện ĐH California đã đánh giá: “Quyển sách này (CAACR2) được soạn ra nhằm truyền đạt những nguyên tắc căn bản của ấn bản AACR2 (bản đầy đủ)… Đối với các biên mục viên ở các nước không dùng tiếng Anh, họ có thể dùng bản AACR2 rút gọn này như một bản tóm lược tổng hợp những ứng dụng của AACR2”. Kết quả của việc đào tạo áp dụng bản rút gọn của quy tắc biên mục Anh-Mỹ cho cán bộ thư viện đã tạo nên tiền đề thuận lợi khi chúng ta triển khai đào tạo áp dụng bản đầy đủ AACR2 vào cuối năm 2007.

 

2. Khổ mẫu MARC21:

Sau Hội thảo quốc tế về “Hệ thống và tiêu chuẩn cho Thư viện Việt Nam”, ngày 22-23/11/2001 tại Trung tâm thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NASETIC) đã tổ chức hội thảo quốc gia và đi đến thống nhất áp dụng khổ mẫu MARC21 cho các thư viện Việt Nam. Với sự giúp đỡ về tài chính của quỹ Alantic Philanthropies và chuyên môn của bà Sally McCallum (Thư viện Quốc hội Mỹ), cuối năm 2004, Trung tâm thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia đã hoàn thành bản dịch với gần 1.000 trang khổ 21x30. Trung tâm đã ấn hành 300 bản (2 tập x 300 cuốn) sách “Khổ mẫu MARC21 cho dữ liệu Thư mục” để cung cấp tài liệu thực hành cho các thư viện và cơ quan thông tin. Xuất phát từ thực tế nhu cầu sử dụng MARC21 của các thư viện và cở sở thông tin trong nước, năm 2005, Trung tâm thông tin Khoa học và Công nghệ đã biên soạn và ấn hành 1.000 bản“MARC21 rút gọn cho dữ liệu thư mục”. Sách được phân phối rộng rãi trong cả nước làm tài liệu thông dụng cho việc áp dụng MARC21 vào công tác thư viện và thông tin.

 

Tuy nhiên, cuối năm 2003, cùng với việc triển khai dự án Xây dựng hệ thống thông tin điện tử/kỹ thuật số cho Thư viện Quốc gia Việt Nam và hệ thống thư viện công cộng, TVQGVN đã chủ động triển khai đào tạo cho cán bộ biên mục tại đơn vị và toàn thể 64 thư viện tỉnh, thành áp dụng MARC21. Chúng tôi phải tiến hành huấn luyện áp dụng MARC21 sớm, trước khi có sách dịch MARC21 được in vì theo dự án, TVQGVN và mạng lưới thư viện tỉnh, thành phố ứng dụng phần mềm ILIB và SMALLIB mà 2 phần mềm này của công ty CMC đều áp dụng khổ mẫu MARC21 cho việc mô tả thư mục thư viện. Tạm thời, chúng tôi sử dụng các tài liệu: “Kiến thức cơ bản về MARC21” (CMC dịch 2001) và tài liệu “Tập huấn biên mục theo MARC21” (ông Vũ Văn Sơn biên soạn 2003) để huấn luyện tại các lớp về MARC21: 

 Sau khi "Khổ mẫu MARC21 rút gọn cho dữ liệu thư mục" được dịch và xuất bản, các giảng viên là cán bộ TVQGVN đã qua đào tạo tại Trung tâm thông tin Khoa học và Công nghệ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn theo đúng chuẩn MARC21 cho các thư viện tỉnh, thành thuộc hệ thống thư viện công cộng trong cả nước. Gần đây nhất, tháng 11/2006 TVQGVN đã tổ chức lớp tập huấn tại Bình Thuận cho 76 học viên là cán bộ biên mục của các thư viện tỉnh, thành  phía nam (từ Đà Nẵng trở vào). Tháng 12/2006, tại Hải Phòng, TVQGVN tiếp tục mở lớp tập huấn cho 83 học viên đến từ các thư viện tỉnh, thành phía Bắc (từ Thừa Thiên-Huế trở ra). Từ những kiến thức ban đầu, một mặt anh chị em tiếp tục tự nghiên cứu, mặt khác thông qua các hội nghị, hội thảo khu vực của các liên hiệp thư viện và sự tư vấn của TVQGVN, đến nay nói chung cán bộ các thư viện công cộng đã dần làm quen với khổ mẫu MARC21 trong công tác biên mục.

 Tại TVQGVN, khi tiến hành áp dụng MARC21 trong phần mềm mới, chúng tôi đã tiến hành hàng loạt hoạt động nghiên cứu, cải tiến cho phù hợp với yêu cầu công tác của đơn vị như: cải tiến qui trình xử lí sách; tổ chức biên soạn Thư mục Quốc gia ngay tại bộ phận xử lí hình thức; Dựa vào MARC21 để xây dựng những quy định thống nhất ở trường địa danh, hình thức tài liệu, phân loại tập trung theo 19 dãy và trường in phích và đặc biệt là đã  thống nhất khi miêu tả trường 100 về  tiêu đề chính-tên cá nhân, cho tên tác giả cá nhân người Việt Nam có thành phần họ theo tinh thần hội thảo 8/2004 của Trung tâm thông tin Khoa học và Công nghệ…

 Trong việc áp dụng khổ mẫu MARC21 và cũng là ứng dụng phần mềm mới, TVQGVN đã hoàn thành việc chuyển đổi hơn 220.000 biểu ghi từ phần mềm ISIS sang phần mềm ILIB. Các công ty tin học khi viết phần mềm đều sử dụng MARC21 từ nguyên gốc, nhưng khi Việt hoá và thể hiện giao diện cho người sử dụng thì lại theo thể hiện các hình thức khác nhau. TVQGVN đã nghiên cứu thành công việc xác định sự tương thích của các trường giữa 2 phần mềm cũ và mới, đảm bảo tốt cho việc chuyển đổi dữ liệu. Nhìn chung đến nay, cán bộ biên mục ở TVQGVN đã thành thạo việc sử dụng MARC21.

 3. Phân loại thập phân Dewey (DDC)

 Được Quĩ từ thiện Atlantic Philanthropies hỗ trợ về tài chính, đầu năm 2004, TVQGVN đã tiến hành thành lập Hội đồng tư vấn và  ban dịch thuật khung phân loại thập phân Dewey bao gồm những chuyên gia phân loại và những người có trình độ tiếng Anh tốt. Được các chuyên gia của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ nhiệt tình giúp đỡ, sau hơn 2 năm nỗ lực của ban biên dịch, Khung phân loại DDC14 bản rút gọn bằng tiếng Việt đã được hoàn thành. Ngày 16/8/2006, ấn bản DDC14 tiếng Việt lần đầu tiên đã được công bố tại Hà Nội. Cuối tháng 8/2006, ấn bản này đã được giới thiệu tại Đại hội Liên hiệp hội Thư viện quốc tế (IFLA) ở Hàn Quốc như một sự kiện tiến bộ đặc biệt của nghiệp vụ thư viện thế giới. Từ đó đến nay, với tư cách đơn vị chủ dự án, TVQGVN đã làm nhiều việc để đi đến mục tiêu áp dụng DDC trong tất cả các thư viện Việt Nam.  Cụ thể:

3.1. Xúc tiến đề nghị Bộ VHTT ban hành văn bản chỉ đạo:

- Ngày 7/11/2006 TVQGVN có tờ trình số 239/TTr-TVQG gửi Bộ VH-TT về việc đề nghị lãnh đạo Bộ cho chủ trương quyết định việc áp dụng DDC, MARC21, AACR2 trong tất cả các thư viện cả nước

- Ngày 23/1/2007 TVQGVN có tờ trình số 23/TTr-TVQG gửi Bộ VH-TT về việc trình bày lộ trình áp dụng DDC ở Việt Nam

- Ngày 31/1/2007 TVQG tổ chức cuộc họp với lãnh đạo Vụ Thư viện để xúc tiến giải quyết yêu cầu trên bằng việc tổ chức 1 cuộc hội thảo với đại diện các hệ thống thư viện

- Ngày 18/3/2007, Vụ Thư viện, Hội Thư viện Việt Nam, TVQGVN đã phối hợp tổ chức hội thảo về việc áp dụng  bộ chuẩn nghiệp vụ AACR2, MARC21, DDC vào các thư viện Việt Nam

- Ngày 7/5/2007, Bộ VH-TT đã ban hành văn bản số 1598/BVHTT-TV về hướng dẫn việc áp dụng các chuẩn nghiệp vụ trên phạm vi cả nước.

- Ngày 23/7/2007, Vụ Thư viện ban hành công văn số 2667/BVHTT-TV về triển khai áp dụng DDC, MARC21, AACR2 trong các thư viện.

 *Có thể nói, văn bản 1598 và 2667 là kết quả cả một quá trình vận động, giải trình, thuyết phục lãnh đạo Bộ VH-TT bằng những cứ liệu khoa học và thực tiễn. Tuy văn bản ra đời có phần chậm trễ, nhưng có thể coi đây là bước tiến bộ quan trọng bậc nhất về nhận thức, mở đường cho các hoạt động nghiệp vụ trên phạm vi cả nước trong quá trình hội nhập quốc tế

 3.2. TVQGVN  đã cấp 1.600 bản phân loại DDC14 miễn phí cho các thư viện, trung tâm thông tin, đơn vị cơ sở đào tạo trong cả nước. Sách đã đuợc phân phối kịp thời, đúng đối tượng như đã thống nhất tại cuộc họp của Hội đồng tư vấn.

 

3.3. TVQGVN đã tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, hội thảo như sau:

3.3.1. Tổ chức đào tạo giảng viên DDC:

Với mục tiêu đào tạo giảng viên cho cả nước, TVQGVN đã tổ chức 2 lớp cho những cán bộ có kỹ năng phân loại tốt và có năng lực sư phạm khá của các các hệ thống thư viện trong cả nước. TVQGVN đã mời Giáo sư Oyler trực tiếp giảng dạy và ông Vũ Văn Sơn – Tổng biên tập DDC14 tiếng Việt làm trợ giảng.

- Lớp tại Hà Nội: 9/10 - 13/10/2006 đào tạo có 30 giảng viên

- Lớp tại Tp. Hồ Chí Minh: 30/10 - 4/11/2006 đào tạo 28 giảng viên

Học  viên được cung cấp tài liệu đầy đủ gồm: Bảng phân loại DDC14 rút gọn, đề cương bài giảng bằng giấy, bài tập, đáp án, sách thực tập. Sau khi đào tạo, các học viên có đủ năng lực làm tiểu giảng viên ở các lớp cơ sở.

 3.3.2. Tổ chức tập huấn ở hệ thống Thư viện công cộng: 2 lớp

- Lớp tại Bình Thuận: 20/11 - 2/12/2006. Có 75 học viên là cán bộ quản lí phụ trách nghiệp vụ và cán bộ biên mục đến từ các thư viện tỉnh, thành phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào)

- Lớp tại Hải Phòng: 10/12 - 22/12/2006. Có 76 học viên là cán bộ quản lí phụ trách nghiệp vụ và cán bộ biên mục đến từ các thư viện tỉnh, thành phía Bắc (Từ Thừa Thiên-Huế trở ra)

Rút kinh nghiệm các lớp trước, trước khi tổ chức tập huấn, TVQGVN đã tiến hành biên soạn lại bài giảng một cách chi tiết hơn. Từ nguyên tắc chung đến các nguyên tắc cụ thể trong từng mục, các cách ghép đặc biệt có các ví dụ minh hoạ, có phần bài tập kèm theo, có so sánh đối chiếu với bảng phân loại 19 lớp để học viên dễ thực hiện khi trở về các thư viện.

 3.3.3. Tổ chức đào tạo tại địa phương

Dựa trên bài giảng chi tiết của TVQGVN biên soạn cho các lớp tập huấn cán bộ thư viện tỉnh, thành, một số thư viện tỉnh, thành đã tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho các thư viện huyện, quận. Theo số liệu thống kê cuối tháng 7/2007, đã có 58% số thư viện tỉnh thuộc hệ thống thư viện công cộng được đào tạo sử dụng DDC. 42% số thư viện tỉnh còn lại dự định sẽ triển khai trong quý 3-4/2007 và 2 thư viện sẽ triển khai trong năm 2008.

 3.3.4. Các lớp của hệ thống thư viện trường đại học:

-Liên hiệp Thư viện Đại học phía Bắc đã tổ chức lớp tập huấn cho 80 cán bộ thư viện các trường đại học khu vực phía Bắc trong tháng 5/2007.

-Trung tâm Học liệu Huế đã tổ chức đào tạo cho 30 cán bộ các thư viện trên địa bàn thành phố Huế.

3.3.5. Tổ chức hội thảo quốc tế:

- Hội thảo ngày 8/6/2007, đánh giá 6 tháng áp dụng DDC của các hệ thống thư viện Việt Nam. Hội thảo kết luận: Các hệ thống thư viện Việt Nam đã chủ động triển khai DDC, tuy nhiên tiến độ còn chậm.  Hệ thống thư viện công cộng và đại học triển khai tích cực hơn cả. Cần có những văn bản chỉ đạo cụ thể hơn trong việc áp dụng các chuẩn nghiệp vụ. Cần duy trì Văn phòng DDC với nhiệm vụ rộng hơn…

 - Hội thảo ngày 14/12/2007 đánh giá 1 năm áp dụng DDC của các hệ thống thư viện. Hội thảo kết luận: tình hình triển khai tương đối tốt. Mạng lưới thư viện chuyên ngành chưa triển khai, cần tìm hiểu nguyên nhân. Thư viện lực lượng vũ trang bắt đầu triển khai. Mạng lưới thư viện công cộng đã triển khai đồng bộ toàn hệ thống tại hội nghị tổng kết toàn quốc 6/8/2007. Nhiều thư viện tỉnh đã tổ chức các lớp đào tạo cho cán bộ thư viện huyện, thị. Thư viện đại học tiếp tục tổ chức nhiều lớp đào tạo lại, có sự giúp đỡ của Gs. Oyler. Hội thảo nhất trí việc TVQGVN chọn ông Vũ Văn Sơn làm Tổng biên tập dịch DDC.22. TVQGVN nhanh chóng xây dựng dự án dịch bản đầy đủ, kiện toàn lực lượng văn phòng DDC, nắm số lượng DDC14 cần in thêm.

 3.3.6. Tổ chức đào tạo, tập huấn tại TVQGVN

- Lớp tổ chức tại TVQGVN: 19/3 - 23/3/2007. Có 54 học viên là cán bộ chuyên môn ở các phòng ban tại Thư viện

- Để triển khai một cách đồng bộ tất cả các khâu có liên quan đến DDC, TVQGVN đã tổ chức 2 cuộc họp chuyên đề bàn về vấn đề này. Đến nay, mọi người nhất trí việc cần thiết áp dụng DDC tại TVQGVN trong thời kỳ mới - thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên, là thư viện lớn vào bậc nhất của cả nước, với vốn sách báo lên tới hàng triệu đơn vị, việc áp dụng khung phân loại DDC phiên bản nào là hợp lý? Sau khi nghiên cứu ý kiến của Hội đồng Khoa học  đơn vị, Giám đốc đã quyết định:

+ Từ ngày 15/6/2007, toàn đơn vị sử dụng thống nhất khung phân loại DDC ấn bản 14 đã được dịch ra tiếng Việt trong công tác phân loại.

+ Từ 1/1/2008, tiếp tục sử dụng khung phân loại DDC ấn bản rút gọn 14 tiếng Việt và áp dụng DDC ấn bản đầy đủ 22 nguyên bản tiếng Anh cho sách thuộc các môn loại khoa học và kỹ thuật khi xét thấy cần thiết.

+ Ngoài ra, Giám đốc đã quyết định duy trì Văn phòng DDC với sự tham gia của các phòng liên quan. Văn phòng do Giám đốc trực tiếp điều hành nhằm đôn đốc, thúc đẩy, hỗ trợ việc áp dụng DDC trong cả nước, trao đổi kinh nghiệm, trả lời các vấn đề vướng mắc trong quá trình áp dụng, ổn định WebDDC và xây dựng dự án dịch DDC22.

+ Trong tháng 6 vừa qua, để việc áp dụng DDC đạt hiệu quả tốt, TVQGVN đã phải giải quyết hàng loạt vấn đề liên quan như: in nhãn xếp giá (cutter) tự động cho các kho tự chọn, hồi cố dữ liệu phân loại cho các kho tự chọn, cấu trúc lại Thư mục Quốc gia, các quy định trong việc phân loại tác phẩm văn học thiếu nhi, văn học Việt Nam (tác giả cá nhân, nhiều tác giả, sưu tập), sách khoa học thường thức viết cho thiếu nhi, truyện tranh, sách giáo khoa, sách bài tập, sách đọc thêm cho học sinh phổ thông và sách giáo trình; cách ghép một số mục đặc biệt trong bảng… và đặc biệt là vấn đề phân loại cho những tác phẩm của Hồ Chí Minh, nói về Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác-Lênin và nói về chủ nghĩa Mác-Lênin…

 Trong thời đại hoà nhập toàn cầu hiện nay, sự phát triển kinh tế, xã hội và khoa học kỹ thuật của tất cả các nước nói chung và Việt Nam nói riêng đều cần được cung cấp đúng, đủ và kịp thời lượng thông tin cần thiết. Thông tin đang là mạch máu duy trì sự sống và là một trong những nguồn lực quyết định sức mạnh của đất nước. Thư viện vừa là cơ sở cho thông tin phát triển, vừa là một thành viên có nhiều thế mạnh trong mạng thông tin chung của quốc gia. Mạng lưới thư viện toàn quốc mà mạnh thì công tác thông tin quốc gia cũng được gia tăng thêm sức mạnh. Song song với những tiến bộ vượt bậc về công tác tổ chức, mà tiêu biểu là sự ra đời của Pháp lệnh Thư viện và Hội Thư viện Việt Nam, việc áp dụng các chuẩn nghiệp vụ sẽ giúp cho Thư viện nước ta nhanh chóng có bước phát triển vượt bậc, vị thế trên trường quốc tế sẽ được nâng cao, mục tiêu “Thống nhất, chuẩn hóa, chia sẻ và hội nhập” của sự nghiệp Thư viện nước nhà sẽ trở thành hiện thực!

Tác giả:  Phạm Thế Khang

 

 

Nguồn tin: Tạp chí Thư viện Việt Nam
Số lượt xem bài viết: 1865, Ngày cập nhật cuối cùng: 06/02/2017

Video