Hiện nay, nhiều sinh viên ra trường với bảng điểm xuất sắc nhưng vẫn phải vất vả tìm kiếm một việc làm. Chuyện nhiều sinh viên ra trường vẫn không có việc làm, tình trạng thất nghiệp là đáng báo động.
Hành trình tìm kiếm việc làm chưa bao giờ là dễ dàng đối với các tân cử nhân. Dù vấn đề sinh viên mới ra trường thất nghiệp không chỉ là nỗi trăn trở của những người trong cuộc, mà còn của cả gia đình và xã hội.
Vừa qua, trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế (Quốc hội) đề cập tới những tồn tại trong kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016 chỉ rõ:
Con số thất nghiệp hiện nay có khoảng 190,9 nghìn người có trình độ đại học trở lên; 118,9 nghìn người có trình độ cao đẳng, chuyên nghiệp; 10.000 người có trình độ cao đẳng nghề; 60,2 nghìn người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp...
Về vấn đề này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh ngành giáo dục lịch sử tại Đại học Kanazawa (Nhật Bản).
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
PV: Là người đang làm việc và học tập tại nước ngoài, theo ông, lý do cơ bản nào khiến con số thất nghiệp ở trình độ đại học trở lên ngày càng nhức nhối?
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương: Dân gian vẫn nói "có học vẫn hơn" nhưng thú thật tiếp xúc với nhiều bạn học xong đại học, trên đại học, hoặc cả bậc học cao nhất ở bên ngoài đời sống lẫn trong công việc, tôi thấy các bạn cũng chẳng có gì đặc biệt hơn các bạn không học đại học (đương nhiên không phải tất cả).
Nếu các bạn không hơn người khác tại sao người ta phải thuê mướn các bạn làm việc và trả lương cho các bạn?
Thường thì nhờ học qua trường lớp người ta phải trưởng thành hơn hai thứ.
Một là, nhận thức xã hội (hiểu đơn giản là năng lực nhận ra và lý giải các vấn đề xã hội mà họ đang sống bằng phương pháp khoa học, thực chứng giàu lý tính).
Hai là, kĩ năng-năng lực nghề nghiệp (làm được công việc được đào tạo với trình độ chuyên môn tốt, hơn hẳn những người không được đào tạo).
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương. Ảnh: NVCC
Nhưng tôi thấy, nhiều bạn học xong đại học mà chẳng có cả hai thứ trên. Nhận thức xã hội thì hoặc là giáo điều bảo thủ, hoặc là ngây ngô.
Kĩ năng nghề nghiệp thì không có và không có đủ tự tin và khả năng để tự mình làm ra dịch vụ, sản phẩm nào đó để bán cho khách hàng.
Rõ ràng, các cơ quan, tổ chức sẽ thuê người biết tuân thủ thời gian, có năng lực tập trung, có khả năng hợp tác với đồng nghiệp, khả năng giao tiếp, tương tác…nhưng sinh viên của ta đi học chỉ để thi, lấy điểm số nên ra trường mà không có những kỹ năng này.
Nhưng nhìn rộng ra thì cũng phải thẳng thắn mà nói rằng, kinh tế nước nhà chưa đủ mạnh để tạo ra nhiều việc làm cũng như môi trường và cách thức tuyển dụng chưa thực sự công bằng nhất là lĩnh vực công.
Hai vấn đề trên tương tác lẫn nhau tạo ra hiệu ứng thất nghiệp như hiện tại và thế hệ trẻ là người chịu hậu quả.
Hiện nay, nhiều thủ khoa ra trường nhưng vẫn thất nghiệp, ông lý giải điều này như thế nào?
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương: Nhiều sinh viên có bảng điểm rất tốt và cũng là học thật nhưng không có sự sáng tạo cao khi đụng vào thực tế vì trong khi đi học họ không được huấn luyện và trưởng thành về tư duy.
Nhận thức xã hội của họ cũng đóng khung trong một không gian rất hẹp và đơn tuyến.
Điều này thể hiện sự chênh lệch lớn giữa năng lực con người cần trong thực tế và năng lực học tập trong trường học.
Có nghĩa là môi trường giáo dục tương đối khác biệt so với môi trường xã hội thực tế. Vì vậy, trong quá trình học tập sinh viên không được trải nghiệm và thử thách với môi trường nghề nghiệp thực sự.
Hơn nữa, trong thực tế hiện nay thay vì tự giác ngộ mà tìm lấy con đường riêng của mình trong sinh kế cũng như cuộc đời thì nhiều thanh niên lại trông chờ vào bố mẹ - những người đã gần như kiệt sức vì nuôi con, lo cho một chỗ làm việc nào đó.
Trong khi, 80% gia đình Việt Nam là nông dân nên sau 4, 5 năm nuôi con học đại học cũng là lúc các bậc phụ huynh cạn kiệt cả về tiền bạc lẫn sức lực. Còn một số cử nhân khác lại mong chờ vào điều mong manh nào đó.
Các cử nhân nên nhớ chẳng ai thương các bạn bằng bố mẹ. Nhưng bố mẹ các bạn kiệt sức rồi. Hãy tự nghĩ và làm điều gì đó cho bản thân mình đi.
Từ năm 2013 đến nay, sau khi giảm chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm thì mỗi năm nước ta vẫn có thêm khoảng 4000 sinh viên ngành sư phạm ra trường không tìm được việc làm.
Với tốc độ gia tăng như vậy, đến năm 2020, cả nước sẽ có tới 70000 cử nhân sư phạm thất nghiệp. Ông có lời khuyên gì với các bạn đã, đang và sẽ là cử nhân sư phạm?
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương: Tôi khuyên các bạn sinh viên nên học cái gì hợp với năng lực và sở thích của mình hơn là lựa chọn nghề theo ý muốn của bố mẹ hoặc nghề có khả năng tìm được việc nhờ "quan hệ".
Nếu không có niềm vui thì ngay cả khi kiếm được nhiều tiền, công việc sẽ là thứ rất mệt mỏi.
Với bạn nào định thi sư phạm thì phải xem xét lại xem mình có thích hợp với một nghề luôn phải sáng tạo cao, tinh thần rộng mở, phong phú và tương tác liên tục với con người không?
Bạn có khát vọng tạo ra những điều tốt đẹp để thúc đẩy xã hội ngày một tốt đẹp lên không?
Còn nếu chỉ nghĩ làm giáo viên là để "nhàn", "gần nhà", "ổn định"... thì không nên học vì trong bối cảnh xã hội hiện nay, tất cả các đặc điểm gắn với nghề giáo viên này đều đang dần biến mất.
Khi xã hội thông tin hóa và không gian, thời gian học tập mở rộng không chỉ giới hạn trong nhà trường, người giáo viên sẽ bị thử thách về nhận thức và năng lực chuyên môn. Không có nhận thức tốt và khả năng thực sự, họ sẽ bị chính học sinh vượt qua. Khi đó rất khó để có được sự kính trọng từ phía học sinh và xã hội.
Nếu bạn nào đó học sư phạm ra mà không thể trở thành giáo viên thì cũng không nên quá thất vọng.
Trong trường hợp phải làm các công việc không liên quan trực tiếp đến ngành sư phạm đi nữa, nếu các bạn học thật, có kiến thức và nhận thức tốt vẫn hoàn toàn có thể dùng và tái cơ cấu những thứ đã học vào lĩnh vực đó để nâng cao năng lực nghề nghiệp, tạo ra thu nhập và vị trí tốt cho bản thân.
Suy cho cùng chẳng có nghề gì cao quý hơn nghề gì. Chỉ có nghề lương thiện, hợp pháp và nghề không lương thiện, phi pháp.
Nếu bạn bỏ công sức và trí tuệ để làm ra một sản phẩm nào đó hay cung cấp một dịch vụ nào đó cho người khác để có thu nhập, đương nhiên bạn là người có ích và điều đó rất đáng tự hào.
Điều đáng sợ nhất không phải ra trường chưa có việc làm ngay hay phải làm công việc trái ngành mà đó chính là chuyện các bạn trẻ ảo tưởng về bản thân, ảo tưởng về những gì mình đã học được.
Hãy nhìn vào thực tế và tham chiếu với những gì mình đã học. Nếu thấy có sự “vênh” lớn, hãy kiên nhẫn bắt đầu hành trình tự đào tạo lại chính mình. Trong quá trình đó, cơ hội tìm kiếm thấy đường đi sẽ đến.
Trân trọng cảm ơn Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương.
Thùy Linh